Theo đó, Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1438/QĐ-TT, ngày 25/8/2021 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong đó thành lập Tiểu ban Truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng Tiểu ban. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Tiểu ban Truyền thông đã ban hành Kế hoạch chung, các Kế hoạch tuần và Kế hoạch giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (Kế hoạch số 23/KH-TBTT ngày 12/10/2021) chỉ đạo công tác truyền thông, công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 bám sát các quan điểm, chỉ đạo, thông điệp quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 trong từng giai đoạn.
Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. Ngày 12/10/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng sẽ sớm được ban hành.
Bám sát các yêu cầu đổi mới tư duy và biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình, tại Kế hoạch số 23/KH-TBTT ngày 12/10/2021, Tiểu ban Truyền thông đã nêu rõ những vấn đề cần thống nhất nhận thức và tập trung tuyên truyền để làm sâu sắc hơn trong tình hình mới. Trong đó, nhấn mạnh thống nhất nhận thức đại dịch COVID-19 không chỉ là thách thức, khó khăn mà còn là cơ hội cho phát triển đất nước, thúc đẩy phát triển bền vững là phát triển xanh và số, sự linh hoạt, thích nghi nhanh của người Việt Nam là lợi thế trong lúc thay đổi này; mục đích cuối cùng của công tác phòng, chống dịch là đưa cuộc sống trở lại bình thường, trong đó giải pháp y tế là quan trọng. Một cuộc sống bình thường trở lại phải được tạo dựng từ sự bình tĩnh, nhất quán trong ứng xử với dịch bệnh của các cấp chính quyền, từ thái độ, tâm thế và kỹ năng của mỗi người dân trong việc tự kiểm soát, tự bảo vệ mình trong sinh hoạt hàng ngày.
Thời gian qua, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động ban hành Kế hoạch và tích cực chỉ đạo công tác truyền thông, công nghệ phòng chống, dịch COVID-19 tại địa bàn bám sát theo các nội dung Kế hoạch của Tiểu ban Truyền thông; đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng, đầu mối chuyên trách ở Trung ương để xử lý các vấn đề phát sinh trên không gian truyền thông. Một số địa phương đã thành lập Tiểu ban Truyền thông thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của công tác truyền thông trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phát triển kinh tế - xã hội trên toàn quốc, đề xuất các giải pháp và thông điệp truyền thông cho giai đoạn sắp tới, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng địa phương, trên nền những chỉ đạo, định hướng chung của Chính phủ.
Để thống nhất trên toàn quốc, tiếp tục tăng cường phối hợp tốt hơn nữa trong chỉ đạo công tác truyền thông, công nghệ phòng, chống dịch COVID-19, từ đó chú trọng tuyên truyền chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Tiểu ban Truyền thông đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Tiểu ban Truyền thông của địa phương mình để chỉ đạo công tác truyền thông, công nghệ phòng, chống dịch; báo cáo về việc thành lập, quy chế hoạt động của Tiểu ban; đồng thời định kỳ có báo cáo 01 tuần/lần gửi Tiểu ban Truyền thông (qua Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, email: ptt_nga@mic.gov.vn) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19