Sau gần 3 tháng phát động và triển khai, đến nay, Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum” (Cuộc thi) đã sắp đến ngày tổng kết. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh rất hào hứng tham gia Cuộc thi.
Sau khi Ban Tổ chức Cuộc thi phát động vào ngày 9/9/2021, các Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo huyện ủy, thành ủy, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã tích cực đăng thông tin về thể lệ, đối tượng dự thi, thời gian thi, số lượng câu hỏi, dung lượng, nội dung... để cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên và nhân dân trên địa bàn tỉnh tìm hiểu, hoàn thành bài thi một cách tốt nhất.
Cuộc thi được thực hiện bằng hai hình thức, thi viết và thi trắc nghiệm trên Trang Thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong 2 tháng (từ ngày 15/9 - 15/11/2021); mỗi người dự thi có thể tham gia cả hai hình thức thi.
Để góp phần tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum, Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở tổ chức triển lãm tranh cổ động kỷ niệm 90 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Nhà ngục Kon Tum và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. 150 tấm pano có hình ảnh nội dung liên quan đến Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum đã được trang trí trên hai tuyến đường Trần Phú và Bà Triệu.
Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh còn tổ chức tuyên truyền bằng xe loa (4 tiếng/ngày) về Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum đến người dân. Nội dung này còn được Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh gửi về cho các huyện để tuyên truyền nhằm làm cho người dân ở các thôn làng, vùng sâu, vùng xa hiểu hơn về ý nghĩa lịch sử của Cuộc đấu tranh Lưu huyết.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, Cuộc thi đã thu hút đông đảo người dân hưởng ứng. Kết quả ban đầu cho thấy, đối với hình thức thi trắc nghiệm (tính từ ngày 15/9/2021 – 15/11/2021), Ban Tổ chức Cuộc thi đã ghi nhận 20.853 thí sinh tham gia. Với hình thức thi viết, Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được tổng số 12.543 bài dự thi. Ban Giám khảo Cuộc thi tiến hành chấm nhiều vòng theo quy chế và chọn được 68 bài dự thi có chất lượng tốt vào vòng chung khảo.
Căn cứ vào Quy chế và kết quả chấm thi, Ban tổ chức Cuộc thi quyết định trao giải cho 7 tập thể tích cực triển khai và đạt kết quả cao trong hưởng ứng tham gia Cuộc thi (gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 1 giải Khuyến khích); 26 cá nhân đạt giải ở hình thức thi viết (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 20 giải Khuyến khích); 12 cá nhân đạt giải ở hình thức trắc nghiệm (2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba) trong lễ tổng kết Cuộc thi.
 |
Tuyên truyền trực quan bằng pano có hình ảnh nội dung liên quan đến Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum. Ảnh: VT |
Là đơn vị có số lượng bài dự thi nhiều nhất, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đăk Hà làm tốt công tác tuyên truyền ngay từ khi Ban Tổ chức Cuộc thi phát động. Ông Chu Văn Hiền – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đăk Hà cho biết: Sau khi Ban Tổ chức Cuộc thi phát động, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã định hướng cho các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, phát động, giao chỉ tiêu đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên tham gia tìm hiểu 90 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum; chỉ đạo Ban Thường vụ Huyện đoàn phát động đến 100% học sinh THPT tham gia, khuyến khích các học sinh THCS tham gia; cung cấp tài liệu cho các cơ quan, đơn vị để tìm hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử; đôn đốc các thí sinh hoàn thành và gửi bài đúng hẹn.
Em Từ Đỗ Nhật Nam – học sinh lớp 11B5, Trường THPT Kon Tum cho biết: Ngay sau khi nhà trường tuyên truyền, triển khai Cuộc thi đến từng lớp, em cùng các bạn trong lớp đã tích cực hưởng ứng tham gia. Để bài thi đạt kết quả cao, em đã nghiên cứu tài liệu trên mạng, sách, báo để hiểu hơn ý nghĩa lịch sử Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum. Tham gia Cuộc thi, em thấy rất tự hào về dân tộc mình, về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của thế hệ đi trước. Dù được giải hay không, Cuộc thi này rất ý nghĩa với em và các bạn học sinh khác.
Cuộc thi đã giúp mọi người hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về cội nguồn, về những con người có công với địa phương, với dân tộc và với đất nước.